Nhìn lại thực trạng Thư viện trường học và Xây dựng thư viện thân thiện ở tiểu học

Công tác thư viện đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng và phát triển văn hoá đọc của các em học sinh trong nhà trường. Thực tế ở nhiều trường hiện nay, thư viện trường học thực chất chỉ như một kho sách. Vậy làm thế nào để thay đổi kho sách thành thư viện trường học thân thiện, xây dựng mô hình thư viện thân thiện ở Tiểu học như thế nào? Thanh Hà xin giới thiệu cùng quý thầy cô bài viết tổng hợp đầy đủ kiến thức Thư viện trường học thân thiện. Hi vọng đây là bài viết hữu ích giúp thầy cô có thêm góc nhìn đầy đủ hơn, cùng nhau thay đổi xây dựng một môi trường văn hoá đọc thân thiện ngay tại trường mình.

Thư viện trường học có nơi chỉ là kho sách

Mặc dù thư viện là một trong những tiêu chí để công nhận một trường tiểu học đạt tiêu chuẩn “Trường chuẩn quốc gia”, nhưng thực tế ở nhiều trường học thư viện đóng vai trò là một kho sách hơn là thư viện phục vụ học sinh.

Hiện nay tại các trường Tiểu học ở Việt Nam tồn tại 2 kiểu thư viện:

– Thứ nhất, thư viện không được đầu tư cả cơ sở vật chất và sách phục vụ học sinh. Mặc dù được gọi là thư viện, nhưng thực sự là nhà kho của trường.

– Thứ hai, thư viện được đầu tư tốt về cơ sở vật chất, nhưng vẫn thiếu sách phục vụ học sinh. Sách trong thư viện này phần lớn là sách phục vụ giáo viên. Sách phục vụ học sinh được khóa trong tủ và học sinh tìm sách qua danh mục sách.

Điều này cản trở học sinh tiếp cận với sách và lựa chọn cho mình quyển sách phù hợp. Ngoài ra, một không gian thư viện phục vụ chung cả giáo viên và học sinh cũng khiến học sinh không cảm thấy thoải mái khi đến thư viện.

Như vậy, có thể nói rằng mô hình thư viện hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đọc sách và xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh. Việc có một mô hình thư viện thân thiện để khuyến khích học sinh đến thư viện đọc sách, hình thành và phát triển kĩ năng đọc cho học sinh là rất cần thiết.

Thư viện trường học thân thiện

Thư viện mở học sinh có thể nằm, bò đọc sách

Khái niệm thư viện trường học thân thiện được xây dựng dựa trên hướng tiếp cận của mô hình trường học thân thiện lấy quyền trẻ em là nền tảng cho mọi hoạt động. Có thể hiểu thư viện trường học thân thiện được hiểu là bao hàm những ý nghĩa sau:

  • Thứ nhất: Đó là một không gian học tập mở, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thong tin, xây dựng thói quen đọc sách
  • Thứ hai: Thư viện tạo điều kiện và để học sinh tích cực tham gia các hoạt động của thư viện
  • Thứ ba: Thư viện đến với người sử dụng một cách linh hoạt, hiệu quả
  • Thứ tư: Hỗ trợ cho việc dạy học tích cực, dạy và học mọi lúc, mọi nơi
  • Thứ năm: Thư viện góp phần phát triển mối quan hệ thân ái, cởi mở tích cực giữa các đối tượng trong thư viện.

Một số hình thức thư viện thân thiện

Ở nước ta hiện nay đang tồn tại các hình thức thư viện trường học thân thiện sau:

  1. Thư viện trường học đa chức năng:

Ngoài chức năng phục vụ đọc sách, thư viện còn tạo cho trẻ em phát triển tiềm năng của mình một cách tự do, đó là không gian học tập đa chức năng với các góc học tập khác nhau.

Ví dụ thư viện có thể xây dựng các góc học tập (gồm cả sách về chủ đề, các mô hình, trò chơi….) như góc sáng tạo : gồm sách khoa học, mô hình máy bay, ô tô, các vật dụng thí nghiệm, các dụng cụ và vật liệu sáng tạo mô hình; góc văn hóa – nghệ thuật gồm sách về văn hóa, nghệ thuật, trang phục truyền thống, băng đĩa nhạc, ẩm thực dân gian, ảnh, tranh vẽ…

Mô hình thư viện thân thiện này rất phù hợp với đối tượng học sinh tiểu học, mang lại cho các em nhiều lợi ích đọc sách. Trong từng góc thư viện học sinh có thể tham gia các hoạt động đa dạng, phong phú, có điều kiện để phát triển tiềm năng của mình. Mô hình cũng phù hợp với tiêu chí giáo dục toàn diện của ngành giáo dục đào tạo hiện nay.

Tuy vậy, cũng nhận thấy nhược điểm của mô hình này cần một cơ sở vật chất tương đối tốt, vốn tài liệu phong phú đa dạng.thưviện đa chức năng cũng cần những thủ thư phải am hiểu nhiều lĩnh vực, các giáo viên – thư viện viên cần có ký năng tổ chức lớp học, hướng dẫn các em trong việc xây dựng và chơi – học – đọc tại các góc học này. Chủ điểm của các góc học cũng cần đổi thường xuyên, định kỳ phù hợp với các giai đoạn phát triển của thiếu nhi.

  1. Thư viện góc lớp

Là các giá, tủ để sách để cuối lớp thuận tiện cho các em tìm đọc. Mô hình này bắt nguồn với phương châm học sinh có thể đọc sách bất kỳ lúc nào có thời gian rỗi, không cần xuống thư viện vẫn có thể đọc sách, học sinh có thể đọc sách trong giờ giải lao, giáo viên đứng lớp là người hướng dẫn đọc, học sinh tự quản lý tủ sách của lớp mình đồng thời nâng cao vai trò của công tác xã hội hóa thư viện (các em học sinh có thể mang sách của mình đến lớp, tra đổi cho nhau để đọc).

Tuy nhiên , mô hình cũng đòi hỏi có một lượng vốn tài liệu tương đối vì tối thiểu phải đáp ứng được 2 cuốn sách/ học sinh. Ngoài ra việc luân chuyển sách giữa tủ sách các lớp cũng rất cần thiết.

  1. Thư viện ngoài trời (thư viện xanh):

(Mô hình thư viện xanh của trường Tiểu học Hoà Bình, quận 11-TPHCM)

Sách được để trong các giỏ, túi treo dưới tán cây xanh, hành lang lớp học, gầm cầu thang… mô hình thư viện ngoài trời có thể tận dụng được các khoảng không xanh còn trống của nhà trường, không đòi hỏi nhiều về phòng đọc, chỗ đọc tuy nhiên lại yêu cầu sự tự giác cao của học sinh trong giữ gìn sách.

Hơn nữa, sách để ngoài trời cũng rất chóng bị hư hại, việc luân chuyển sách cũng phải diễn ra thường xuyên nếu không sẽ bị phản tác dụng.

  1. Thư viện lưu động:

Sách được để trong các thùng, hộp có bánh xe đẩy đi khắp sân trường giúp học sinh có thể tiếp cận gần gũi với sách tuy nhiên việc bảo quản và quản lý sách cũng gặp khó khăn và sách cũng cần được luân chuyển, đổi mới liên tục mới có thể thu hút học sinh.

Theo tác giả, xây dựng các mô hình thư viện trường học nào trong các mô hình trên cần tùy thuộc vào điều kiện vùng miền, các đặc trưng của địa phương và điều kiện cơ sở vật chất trang thiết bị của từng thư viện.

Những khó khăn trong xây dựng mô hình thư viện trường học thân thiện

Khó khăn đầu tiên có thể kể đến là cơ sở vật chất của thư viện trường học. Trong điều kiện hiện nay, một trường tiểu học trang bị được phòng thư viện đa chức năng riêng đòi hỏi phải có hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị khá hiện đại, nếu không rất khó thu hút học sinh vào thư viện.

Nhiều trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội, các lớp học lên tới 50 – 60 học sinh, phải học thay ca, chạy lớp vì thiếu phòng học, thiếu phòng bán trú thì việc bố trí một phòng riêng cho thư viện là khó khả thi. Lớp học quá chật khiến không thể xây dựng mô hình thư viện góc lớp.

Các trường tiểu học ở các địa phương khác thì còn quá thiếu thốn, nghèo nàn về cơ sở vật chất trang thiết bị. Việc triển khai các mô hình thư viện thân thiện dù theo mô hình nào cũng cần đầu tư về cơ sở vật chất tuy không nhiều nhưng phải đủ là một trong những khó khăn, thách thức đối với các thư viện trường học hiện nay.

Khó khăn thứ hai là nhận thức của lãnh đạo các nhà trường và đội ngũ giáo viên. Cần thay đổi suy nghĩ của lãnh đạo nhà trường  là thư viện đạt chuẩn sau đó đóng cửa thư viện khiến thư viện trở thành nhà kho chứa sách, nếu có đoàn kiểm tra lại mở cửa để kiểm tra rồi lại đóng cửa.

Đối với đội ngũ giáo viên cần thay đổi cách nhìn và suy nghĩ về thư viện coi giờ thư viện là giờ lấp chỗ trống. Một số giáo viên còn chưa có hứng thú và kỹ năng đọc khiến việc truyền đạt niềm say mê đọc sách cho các em học sinh còn nhiều bất cập. Để thực hiện các mô hình thư viện trường học, mỗi giáo viên chủ nhiệm lớp phải trở thành người truyền cảm hứng đọc cho học sinh.

Khó khăn tiếp theo phải kể tới là trình độ cán bộ thư viện trường học còn chưa đạt. Hiện nay trong các trường đào tạo cán bộ thư viện chưa đào tạo cán bộ thư viện trường học chuyên nghiệp, khiến nhiều cán bộ thư viện không thể và không có khả năng lên lớp trong giờ thư viện dẫn tới sự kém chủ động trong việc giới thiệu sách và thu hút bạn học sinh lên thư viện.

Trong khi đó chế độ chính sách, những ưu đãi dành cho cán bộ thư viện trường học còn nhiều bất cập. Nhiều trường học chỉ coi thư viện là công cụ để đạt chuẩn quốc gia, nếu đạt chuẩn rồi thì không còn quan tâm tới hoạt động của thư viện nữa khiến cán bộ thư viện rơi vào tâm trạng chán nản, không muốn triển khai xây dựng các dự án thư viện hoặc cải tiến thư viện, làm giảm vai trò và giá trị giáo dục của thư viện.

Khó khăn cuối cùng là từ phía học sinh và cha mẹ học sinh.Đối với học sinh, chuẩn đầu ra của các lớp học khiến các em luôn bị áp lực trong việc học tập.

Thêm vào đó, sự chi phối của các phương tiện truyền thông, giải trí hiện đại khiến các em không còn mặn mà với việc đọc sách. Đối với phụ huynh nhiều phụ huynh học sinh không con em mình có thời gian đọc sách vì còn phải học bồi dưỡng, học nâng cao.

Trước những khó khăn nêu trên, việc xây dựng thư viện trường học thân thiện và duy trì hoạt động của các thư viện đó một cách ổn định là công việc không hề dễ.

Tuy nhiên trước vai trò to lớn của thư viện trường học đối với giáo dục và đào tạo cũng như vai trò của văn học đọc trong việc hình thành nhân cách cho thiếu nhi, các thư viện trường học vẫn cần phải tìm ra những lối đi riêng trong việc đưa sách và văn hóa đọc tới gần hơn thiếu nhi.

Thư viện thân thiện do Room to Read hỗ trợ

Thời gian qua chương trình Thư viện thân thiện Trường Tiểu học do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với tổ chức Room to Read (Mỹ) đã được triển khai ở nhiều địa phương trong cả nước. Chương trình nhằm xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh tiểu học, hướng đến mục tiêu giúp các em trở thành người đọc độc lập trong tương lai, là người có kỹ năng đọc và thói quen đọc.

Mô hình thư viện thân thiện do Bộ GD& ĐT phối hợp với tổ chức Room to Read được đánh giá là phù hợp với tâm sinh lý độ tuổi tiểu học, hỗ trợ thành công việc xây dựng thói quen đọc cho học sinh.

Tại thư viện thân thiện sách được phân loại theo trình độ đọc và trưng bày trên kệ. Học sinh dễ dàng tìm sách phù hợp với trình độ đọc của mình và tự lấy được sách để đọc. Tài liệu xây dựng môi trường văn bản cũng được trưng bày phù hợp, trang thiết bị trong thư viện được sắp xếp hợp lý, học sinh di chuyển dễ dàng để chọn sách và vật phẩm giáo dục.

Thư viện thân thiện có đủ không gian để học sinh tham gia vào các hoạt động: cá nhân, cặp đôi, nhóm; có đủ không gian phục vụ việc mượn trả sách. Đồng thời, có thời khóa biểu tiết đọc thư viện của tất cả các lớp. Tiết đọc thư viện được triển khai đúng thời khóa biểu. Có lịch mượn trả sách cho tất cả các khối lớp.

Ngoài ra, còn có hệ thống hướng dẫn việc quản lý và sử dụng thư viện rõ ràng, có cán bộ thư viện chuyên trách hoặc kiêm nhiệm được tập huấn kỹ thuật để quản lý thư viện và đội ngũ giáo viên cũng được tập huấn về kỹ thuật dạy tiết đọc thư viện trước khi triển khai hoạt động này.

Điểm khác biệt lớn nhất ở thư viện thân thiện thể hiện ở đặc điểm về thái độ. Cán bộ thư viện và giáo viên giúp học sinh tìm sách phù hợp với trình độ đọc, làm mẫu thế nào là đọc tốt/hay và thể hiện sự thích thú khi đọc sách. Học sinh được khuyến khích tham gia vào hoạt động quản lý thư viện. Cán bộ quản lý tích cực khuyến khích việc sử dụng thư viện, hỗ trợ các hoạt động quản lý thư viện và đảm bảo môi trường học tập tích cực trong thư viện.

Cán bộ quản lý và giáo viên chủ động trao đổi với phụ huynh và cộng đồng nhằm giúp họ hiểu rõ về mục đích và cách sử dụng thư viện. Chủ động khuyến khích và hỗ trợ tất cả học sinh đọc sách, không phân biệt trình độ đọc của các em. Đồng thời khích lệ tất cả học sinh ở mọi trình độ đọc, giúp các em cảm thấy thư viện là một nơi thoải mái và không bị áp lực khi đọc.

Để thiết lập thư viện thân thiện, Room to Read cung cấp cho mỗi trường 6 kệ sách, 6 bàn thấp, 14m2 thảm, 1 bộ vật phẩm giáo dục và sách để thiết lập thư viện. Sách được cấp làm 3 đợt, với tỉ lệ ít nhất là 5 quyển sách/học sinh/3 lần cấp.

Thư viện được sắp xếp theo hướng mở, thân thiện nhằm khuyến khích học sinh đến với thư viện, tạo điều kiện cho các em tiếp cận sách dễ dàng. Sách được trưng bày trên kệ mở, được phân loại theo trình độ đọc, và được dán mã màu. Thư viện được sắp xếp theo hướng mở tạo cơ hội cho học sinh tìm được quyển sách phù hợp với sở thích và khả năng đọc của mình. Kệ sách được thiết kế phù hợp với chiều cao của học sinh tiểu học, và sơn theo từng mã màu tương ứng. Các đồ vật khác như thảm xốp, bàn thấp, vật phẩm giáo dục cũng được trang bị và sắp xếp nhằm tạo ra môi trường đọc thân thiện, cuốn hút học sinh.

Ngoài ra, thư viện còn được bố trí các góc hoạt động khác nhau như Góc trò chơi phát triển ngôn ngữ, Góc tra cứu, Góc sáng tạo để khuyến khích học sinh đọc nhiều loại sách khác nhau và phát huy tính sáng tạo của các em.

Trong quá trình triển khai chương trình thư viện thân thiện, Room to Read cung cấp bốn khóa tập cho các trường tham gia với các nội dung: thiết lập và quản lý thư viện thân thiện; kỹ thuật tổ chức Tiết đọc thư viện; phương pháp huy động sự tham gia của gia đình và cộng đồng; phương pháp duy trì và phát triển bền vững dự án.

Việc hình thành và phát triển thói quen đọc sách cho trẻ cần sự chung tay giữa nhà trường và gia đình. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, phụ huynh chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của việc đọc sách. Rất nhiều phụ huynh xem việc đọc sách là mất thời gian và muốn con dành thời gian để học bài. Vì vậy, các hoạt động khuyến đọc của chương trình được thiết kế không chỉ hướng đến đối tượng học sinh, mà còn hướng đến các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh. Hoạt động nâng cao nhận thức cho phụ huynh về tầm quan trọng của việc đọc sách được lồng ghép trong ngày khánh thành thư viện và trong các cuộc họp phụ huynh. Ngày đọc sách được tổ chức hàng năm để khuyến khích học sinh, giáo viên và phụ huynh cùng đọc sách. Tiết đọc thư viện được tổ chức hàng tuần giúp học sinh có thời gian được nghe thầy cô giáo đọc sách và từ đó tạo sự yêu thích, niềm đam mê đọc sách cho các em.

Để duy trì và phát triển bền vững thư viện sau 4 năm hợp tác, Room to Read chủ trương hợp tác với cơ quan quản lý giáo dục địa phương để triển khai Chương trình, đồng thời huy động sự tham gia của gia đình và cộng đồng vào các hoạt động dự án dự án ngay từ những ngày đầu triển khai. Kỹ thuật dự án cũng được chuyển giao cho đối tác thông qua các khóa tập huấn cho tập huấn viên, để đối tác có thể tự nhân rộng mô hình thư viện thân thiện theo khả năng của mình. Vào năm thứ 3 triển khai chương trình, nhà trường tự xây dựng kế hoạch phát triển bền vững và huy động các nguồn lực hỗ trợ để duy trì thư viện.

Cho đến nay, chương trình thư viện thân thiện đã được triển khai tại các tỉnh Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh, Bình Định, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Bắc Giang, Hà Tĩnh, Đăklăk, Phú Thọ, Tây Ninh, Lâm Đồng … góp phần rèn kĩ năng đọc, xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh tiểu học tại các trường tham gia chương trình.

Mô hình thư viện thân thiện trường Tiểu học được các Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao và chỉ đạo nhân rộng đến các trường ngoài chương trình. Việc phát triển thói quen đọc sách cho học sinh tiểu học với mục đích giúp học sinh trở thành người đọc độc lập sẽ góp phần thực hiện thành công cho việc nâng cao năng lực ngôn ngữ, khả năng giao tiếp cho học sinh Tiểu học.

 – Theo Vụ Giáo dục tiểu học và Phạm Thị Phương Liên (http://huc.edu.vn/)-  

Gọi ngay